trang chủ tin tức xe Một số trường hợp xe độ, chế bị từ chối đăng kiểm

Một số trường hợp xe độ, chế bị từ chối đăng kiểm

Gần đây, nhiều xe ô tô lắp thêm (độ, chế) một số chi tiết ngoại thất như mặt ca-lăng, logo, cản trước/sau... không phải của nhà sản xuất cho đẹp đã bị các đơn vị đăng kiểm thẳng tay từ chối.

Nguyên nhân đến từ việc những chiếc xe này đã thay đổi kết cấu, thiết kế, kiểu dáng mà nhà sản xuất đã đăng ký với cơ quan đăng kiểm. Dễ gặp nhất là những chiếc ô tô lắp thêm giá nóc, cản va hoặc độ chế thêm đèn Led, bi xenon, mâm (vành), dán decal đổi màu hay lắp thêm ghế với xe Van… Thậm chí nhiều xe đã thay một bộ phận tưởng chừng như không mấy liên quan đến an toàn là mặt ca-lăng hay cánh lướt gió thể thao cũng bị phía cơ sở đăng kiểm “trả về”.

Câu chuyện về đăng kiểm ô tô đang "nóng" lên thời gian gần đây.

Câu chuyện về đăng kiểm ô tô đang "nóng" lên thời gian gần đây.

Giải thích về điều này, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2903S trên đường Lê Quang Đạo (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, xe nguyên bản chỉ có đèn halogen nhưng nếu lắp thêm đèn siêu sáng dạng Led hoặc Bi-xenon sẽ có cường độ sáng quá lớn, gây nguy hiểm cho xe đối diện. Hoặc độ mặt ca-lăng có thể làm ảnh hưởng đến độ nhạy của các cảm biến, trong đó có cảm biến va chạm và túi khí không nổ hoặc không nổ đúng thời gian cần thiết nữa, gây nguy hiểm đến tính mạng của người trên xe.

“Có hai tiêu chí xét duyệt đăng kiểm đối với đèn xe ô tô. Đầu tiên là tiêu chuẩn của ngành quy định, bao gồm: hình dạng chùm sáng, cường độ sáng và góc chiếu. Thứ hai là chứng nhận kiểu loại mà nhà sản xuất đã đăng ký với Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Với các loại đèn cùng một hãng mà nhà sản xuất cho phép lắp trên một dòng xe, ví dụ như một chiếc Toyota Innova đời thấp lắp bóng đèn của xe đời cao hơn thì không vấn đề gì, trung tâm đăng kiểm vẫn chấp nhận" vị Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2903S cho hay.

Để được chấp nhận đăng kiểm, đèn chiếu sáng của xe ô tô phải đáp ứng các tiêu chuẩn được đặt ra.

Để được chấp nhận đăng kiểm, đèn chiếu sáng của xe ô tô phải đáp ứng các tiêu chuẩn được đặt ra.

Như vậy, việc "độ" đèn cho ô tô vẫn có thể được cơ quan đăng kiểm chấp nhận nếu thỏa mãn theo tiêu chí xét duyệt đã nêu ở trên. Song hiện nay nhiều gara bên ngoài nhận nâng cấp đèn nhưng lại không nắm hết được các yêu cầu kỹ thuật, lắp đặt theo kiểu "vô tội vạ" dẫn đến việc các phương tiện bị trượt khi đi kiểm định.

Còn với xe độ thêm cánh gió, bệ bước chân, cản trước và sau, ca-lăng… dù không thay đổi kết cấu, độ an toàn của xe, nhưng các phụ kiện này làm thay đổi kích thước, nhận diện xe của nhà sản xuất, nên không được kiểm định.

Tuy nhiên, xe ô tô thay la-zăng (vành), dù có thể khác mẫu mã, họa tiết, màu sắc nhưng nếu đảm bảo đúng kích cỡ và thông số lốp thì vẫn được cơ quan đăng kiểm chấp thuận. Ngoài ra, xe lắp thêm các loại cảm biến lùi, cảm biến áp suất lốp, camera lùi, camera 360 độ,… dù xe nguyên bản không có nhưng làm tăng tính an toàn khi lái xe cũng không bị đăng kiểm “tuýt còi”.

Sang năm 2023, việc đăng kiểm xe ô tô sẽ tiếp tục được siết chặt để phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thành lập Tổ công tác với các nhiệm vụ gồm: kiểm tra, rà soát hoạt động của các đơn vị đăng kiểm trên phạm vi toàn quốc nhằm nâng cao chất lượng phương tiện khi tham gia giao thông.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng khuyến cáo đến các chủ xe, doanh nghiệp, để giảm thời gian, không phải kiểm định nhiều lần, người dân nên chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện trước khi đi kiểm định để đảm bảo phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi đi kiểm định.

Theo thống kê từ Phòng kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), tính đến hết tháng 11/2022, đã có 429.691 lượt phương tiện không đạt đăng kiểm ở lần đầu tiên trong tổng số hơn 4,3 triệu lượt phương tiện kiểm định trên toàn quốc. Các xe không đạt tiêu chuẩn đăng kiểm phải bảo dưỡng, điều chỉnh, sửa chữa để kiểm định lại.

(Theo baomoi.com)

danh mục tin tức